TS. Đỗ Thị Kim Anh
Nxb. Khoa học xã hội, 2022
Đặc trưng vật lý: 285 tr. – 20.5 cm.
Kí hiệu kho: 24VV00002536
| Tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) ngoài công lập là một trong các mô hình hoạt động phi chính phủ (NGO). Tác giả cuốn sách có nêu ở phần Lời nói đầu như sau: Trong hệ thống chính trị các quốc gia, tổ chức NGO nói chung và tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập nói riêng ngày càng phát triển không chỉ về mặt quy mô, loại hình, sự mở rộng các mỗi quan tâm và lĩnh vực hoạt động mà bên cạnh đó, còn thực hiện các chức năng xã hội quan trọng, gắn kết các nhóm, cộng đồng, xã hội vì mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ, cũng như sự phát triển chung của mỗi cộng đồng, dân tộc, quốc gia và nhân loại. |
Ở Việt Nam hiện nay các tổ chức NGO được chia làm hai loại hình: Các tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGO) và các tổ chức phi chính phủ Việt Nam (VNGO). Về các tổ chức VNGO thì phần lớn là mô hình tổ chức KH&CN ngoài công lập được thành lập theo Nghị định 08/2014/NĐ-CP ban hành ngày 27/01/2014 của Chính phủ và được Bộ Khoa học cấp giấy phép, hoạt động theo Luật Khoa học công nghệ nên còn được gọi tắt là đơn vị / tổ chức 08 (trước là đơn vị 81).
Cũng theo tác giả tổng hợp theo số liệu Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2021 cả nước có gần 4.471 tổ chức khoa học và công nghê, trong đó có 1.987 tổ chức khoa học công nghệ công lập và 2.484 tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập (chiến 56% tổng số các tổ chức khoa học và công nghệ). Tác giả chỉ ra rằng: các tổ chức KH&CN ngoài công lập đã và đang có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, tổ chức, thực hiện, giám sát, phản biện xã hội đối với các chương trình, dự án của Nhà nước, các Bộ, ngành; tích cực, chủ động tham gia cung ứng dịch vụ công. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức KH&CN ngoài công lập huy động các nguồn tài trợ thực hiện các chương trình dự án hướng tới phát triển cộng đồng, phát triển xã hội như tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức, năng lực cho cộng đồng, giáo dục đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, xây dựng các mô hình phát triển cải tạo thiên nhiên và bảo vệ môi trường, nâng cao dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cải thiện sinh kế việc làm, xóa đói giảm nghèo….
Tuy nhiên, tác giả cũng chỉ ra rằng: Về lý luận và thực tiễn ở Việt Nam chưa có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về tổ chức KH&CN ngoài công lập, đặc biệt là tổng hợp và phân tích sâu về vai trò, chức năng và hoạt động của loại hình tổ chức này đối với sự phát triển cộng đồng và xã hội. Với bối cảnh đó, tác giả đã nghiên cứu và biên soạn cuốn sách “Vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập trong phát triển cộng đồng hiện nay – Nghiên cứu trường hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam”.
Ngoài phần lời mở đầu, kết luận, nội dung cuốn sách cụ thể qua các chương như sau:
Chương 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn nghiên cứu về vai trò của tổ chức phi chính phủ và tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập trong phát triển cộng đồng
Chương 2. Vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập trong phát triển cộng đồng
Chương 3. Quan điểm và giải pháp phát huy vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập trong phát triển cộng đồng
Có thể nói, cuốn sách ra đời có ý nghĩa quan trọng và cần thiết về mặt nhận thức khoa học và đóng góp xây dựng chính sách, đặc biệt là nghiên cứu, tổng kết, đánh giá đúng vị trí, vai trò của các tổ chức KH&CN ngoài công lập, bài học về những thành công, kinh nghiệm trong việc khắc phục những khó khăn, hạn chế, từ đó đề xuất các giải pháp hướng đến hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, tạo điều kiện cho các tổ chức phát triển, phát huy vai trò tích cực và nhân rộng các mô hình hay trong hoạt động thực tiễn của loại hình tổ chức này.
Hy vọng với ấn phẩm “Vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập trong phát triển cộng đồng hiện nay” là tài liệu tham khảo có giá trị đối với các chuyên gia, đồng nghiệp và quý độc giả quan tâm chủ đề này. Bên cạnh đó, trong quá trình nghiên cứu, biên soạn ấn phẩm, cuốn sách không tránh khỏi những hạn chế nhất định, tác giả mong nhận được sự đóng góp của các chuyên gia, đồng nghiệp, quý độc giả để có thể bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện trong những lần tái bản sau.
Xin trân trọng giới thiệu!
(Note: TS. Đỗ Thị Kim Anh - Cán bộ Nghiên cứu Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng)
Để tham khảo tài liệu, xin vui lòng liên hệ:
Bộ phận thư viện Viện (Cán bộ phụ trách: Nguyễn Thị Đậm - ĐT và Zalo: 0986534092 hoặc địa chỉ email: dam2020.irsd@gmail.com)