Tìm kiếm

Phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam theo lý thuyết sinh thái học công nghiệp

17/05/2021

Sách có trong thư viện - Sẵn sàng phục vụ

Nguyễn Đình Chúc, Trần Duy Đông (Đồng chủ biên)

Năm xuất bản: 2020

Số trang: 312

      Trong những năm qua, quá trình cải cách và mở cửa đã đem lại cơ hội phát triển cho đất nước nói chung và cho nhiều doanh nghiệp nói riêng, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp. Ở Việt Nam, hệ thống khu công nghiệp có đóng góp quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước, trong đó đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước, và đặc biệt là tạo công ăn việc làm với 3,7 triệu lao động, trong đó nữ chiếm gần 60%... Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực từ hệ thống các khu công nghiệp thì sự phát triển này cũng có những ảnh hưởng tiêu cực vô cùng to lớn đối với môi trường, tạo ra hàng loạt thách thức ở Việt Nam. Để giải quyết những thách thức này, Việt Nam đã có nhiều quy định chính sách cũng như các sáng kiến thực thi nhằm xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường. Các quy định về bảo vệ môi trường tiếp cận với tiêu chuẩn của thế giới. Các chính sách khuyến khích áp dụng tiết kiệm nguyên liệu và sản xuất sạch hơn được xây dựng và áp dụng trên thực tiễn một cách bài bản ở tất cả các địa phương.

      Sinh thái học công nghiệp được thế giới bắt đầu nghiên cứu cách đây 25 năm nhưng lần đầu tiên được đề cập đến trong các tài liệu nghiên cứu của trong nước từ 10 năm trước. Lý thuyết sinh thái học công nghiệp có thể ứng dụng vào nhiều quy mô và phạm vi, từ các hộ cho đến doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, khu công nghiệp, vùng lãnh thổ…Do đó việc hiểu rõ lý thuyết sinh thái học công nghiệp và khả năng ứng dụng của nó vào việc giảm thiểu phát thải, hướng đến những mô hình sản xuất mang tính sáng tạo trong xử lý chất thải tại nguồn là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh đang phát triển của Việt Nam.

     Để hiểu rõ hơn về sinh thái học công nghiệp, tư đó đó thể ứng dụng hiệu quả vào hoạt động sản xuất công nghiệp, đặc biệt là tại các khu công nghiệp của Việt Nam, năm 2020, Nhà xuất bản Khoa học xã hôi xuất bản cuốn sách chuyên khảo: “Phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam theo lý thuyết sinh thái học công nghiệp” do Nguyễn Đình Chúc và Trần Duy Đông làm chủ biên. Cuốn sách là sản phẩm nâng cao của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Tiếp cận sinh thái học công nghiệp và khả năng áp dụng vào phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng chủ trì thực hiện.

     Ngoài phần Lời nói đầu và Kết luận, cuốn sách gồm 4 chương:

    Chương 1. Sinh thái học công nghiệp trong các nghiên cứu trong và ngoài nước

Trên cơ sở điểm qua tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước về sinh thái học công nghiệp, nhóm nghiên cứu đưa ra một số nhận định sau: (i) Sinh thái học công nghiệp là một khoa học trẻ, có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững; (ii) Sinh thái học công nghiệp mang tính đa ngành, có sự tham gia nghiên cứu, phân tích của các nhà nghiên cứu từ nhiều ngành khoa học khác nhau; (iii) Khái niệm khu công nghiệp sinh thái và khái niệm khu công nghiệp phát triển theo hướng bền vững chưa đạt được sự thống nhất cao giữa các nhà nghiên cứu; (iv) Chưa có các nghiên cứu về điều kiện môi trường chính sách, nguồn lực con người và nguồn lực tài chính cho việc hình thành và phát triển khu công nghiệp sinh thái ở một nước đang phát triển như Việt Nam; (v) Những nghiên cứu về chuyển đổi các khu công nghiệp hiện tại theo hướng khu công nghiệp sinh thái, các điều kiện, tiêu chuẩn và nguyên tắc cho việc chuyển đổi chưa được thực hiện để có thể tạo nền tảng lý luận và thực tiễn cho việc triển khai tại các nước đang phát triển. Đặc biệt các công trình nghiên cứu trong nước mới chỉ dừng ở việc tổng quan các nghiên cứu công trình quốc tế, chưa có một hệ thống lý thuyết đầy đủ về nội hàm của sinh thái công nghiệp.

      Chương 2. Cơ sở lý thuyết và ứng dụng thực tiễn của sinh thái học công nghiệp

     Chương này nhóm tác đề cập tới lý thuyết sinh thái học công nghiệp và ứng dụng lý thuyết sinh thái học công nghiệp trong phát triển bền vững. Nghiên cứu chỉ ra rằng, ranh giới áp dụng của sinh thái học công nghiệp có thể được xác định: (i) dựa trên vật liệu; (ii) dựa trên sản phẩm; (iii) dựa trên địa lý. SInh thái học công nghiệp có thể được áp dụng ở quy mô vùng/quốc gia, quy mô cụm/ngành công nghiệp, quy mô khuu công nghiệp và tại các doanh nghiệp đơn lẻ. Ứng dụng sinh thái học công nghiệp vào quy mô khu công nghiệp là bước đi mới nhằm mục tiêu biến các khu công nghiệp trở thành mô hình khép kín quy trình sản xuất giữa các doanh nghiệp. Để tìm hiểu rõ hơn về tính hiệu quả của ứng dụng sinh thái học công nghiệp trong phát triển khu công nghiệp, nhóm tác giả đã chia sẻ kinh nghiệm của một số nước và khu vực đã thành công trong lĩnh vực này như: Áo, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

      Chương 3. Đánh giá khả năng phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam trên nền tảng sinh thái học công nghiệp

     Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu tập trung phân tích đánh giá một số khu công nghiệp ở Việt Nam theo hướng tiếp cận sinh thái học công nghiệp và cho rằng, yếu tố thành công của khu công nghiệp theo hướng bền vững bao gồm các yếu tố như: lịch sử hình thành lâu dài; tận dụng được các đặc điểm thuận lợi về vị trí địa lý, kết nối hạ tầng giao thông nội vùng và liên vùng, cơ cấu quản lý hiện đại và hiệu quả, quan tâm đến bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm ngay từ khi hình thành. Chính vì vậy, các chỉ tiêu về kinh tế của KCN/KCX này vẫn được duy trì tốt. Các khía cạnh quản lý môi trường và tài nguyên ngày càng được cải thiện, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường hiện hành về tất cả các chỉ tiêu môi trường như chất thải, nước thải, khí khải. Nghiên cứu nhấn mạnh, cơ hội chuyển đổi sang khu công nghiệp bền vững/sinh thái đối với các khu công nghiệp xem xét là nổi trội. Chia sẻ về các điều kiện để phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam dựa trên cách tiếp cận sinh thái học công nghiệp, nhóm tác giả đề cập tới một số yếu tố sau: (i) Môi trường chính sách, luật pháp và quy hoạch; (ii) Tổ chức và quản trị; (iii) Tài chính công nghệ và kỹ thuật;

      Chương 4. Khuyến nghị chính sách phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam từ góc độ sinh thái học công nghiệp

     Chương này, nhóm tác giả xác định rõ hai vấn đề chính sau: (i) Bối cảnh trong nước và quốc tế ảnh hưởng đến phát triển các khu công nghiệp theo hướng sinh thái học công nghiệp; (ii) Quan điểm, định hướng phát triển khu công nghiệp góc độ sinh thái học công nghiệp. Trên cơ sở lý thuyết và thực tiễn, các tác giả đề xuất một số khuyến nghị cụ thể đối với việc hiện thực hóa khu công nghệ sinh thái tại Việt Nam bao gồm: Thứ nhất, nhóm các giải pháp về chính sách và quy hoạch; Thứ hai, nhóm các giải pháp về tổ chức và quản trị; Thứ ba, nhóm các giải pháp về tài chính và kỹ thuật.

     Cuốn sách là công trình nghiến công phu, đề cập tới vấn đề khá mới tại Việt Nam. Những phân tích, đánh giá và lập luận chặt chẽ về khả năng phát triển các khu công nghiệp trên nền tảng sinh thái tại Việt Nam hy vọng sẽ đáp ứng nhu cầu của giới nghiên cứu cũng như độc giả quan tâm.

Xin trân trọng giới thiệu!

Các sách khác: