IRSD - KHẢO SÁT VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN XANH TẠI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

HẢI PHÒNG - Trong khuôn khổ Chương trình trọng điểm cấp Bộ: “Khoa học xã hội và nhân văn về biển của Việt nam phục vụ mục tiêu bảo vệ và phát triển đất nước”, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng được giao nhiệm vụ thực hiện đề tài khoa học cấp Bộ: “Phát triển kinh tế biển xanh phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam”. Đề tài do PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi làm chủ nhiệm. Mục tiêu của đề tài là làm rõ thực trạng phát triển kinh tế biển xanh phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam, từ đó đưa ra các định hướng, đề xuất các giải pháp, kiến nghị cho Việt Nam phát triển kinh tế biển xanh phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.

Theo kế hoạch triển khai các nội dung nghiên cứu của đề tài, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng tổ chức điều tra khảo sát trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Đoàn khảo sát do PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi Chủ nhiệm đề tài làm trưởng đoàn và các thành viên đề tài cùng tham gia thực hiện. Mục tiêu của chuyến khảo sát nhằm tìm hiểu thực trạng và những cơ chế chính sách liên quan đến phát triển kinh tế biển xanh phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển trên địa bàn thành phố Hải Phòng thời gian vừa qua và những định hướng cho phát triển kinh tế biển xanh trong thời gian tới. 

Đoàn khảo sát thực hiện các phương pháp phỏng vấn chuyên gia và thu thập số liệu sơ cấp và thứ cấp. Trong thời gian khảo sát tại thành phố Hải Phòng, đoàn đã làm việc với nhiều sở, ngành bao gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Công thương; Sở Tài nguyên và Môi trường; Ban Quản lý Khu kinh tế; Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Biển và Hải đảo…. Đoàn khảo sát cũng thăm và làm việc với Công ty Cổ phần vận tải biển Việt Nam Vosco nhằm tìm hiểu những thuận lợi và khó khăn cũng như những đề xuất, nguyện vọng của doanh nghiệp.

Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển xanh, thành phố Hải Phòng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2040 trở thành một thành phố trọng điểm dịch vụ logistics và du lịch, trọng tâm phát triển các khu du lịch tầm cỡ quốc tế, khu du lịch xanh thân thiện với môi trường như đảo Cát Hải – Cái Tráp; đảo Cát Bà – Long Châu và một số khu du lịch (vùng đệm): Phù Long, Xuân Đám, Trân Châu, Hiền Hào… bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực cảnh quan sinh thái, đặc biệt là khu vực Vịnh Lan Hạ…

Tầm nhìn đến năm 2050, Tài nguyên biển và hải đảo của thành phố phải được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hòa với thiên nhiên.

 

Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng


Nguồn: Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng
Tin liên quan