Tham dự Kỳ họp tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh công tác trên địa bàn thành phố Lai Châu; Thủ trưởng một số sở, ngành tỉnh; lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu.
Tại điểm cầu khác có đại biểu HĐND tỉnh công tác trên địa bàn các huyện, đại diện lãnh đạo Thường trực HĐND, các Ban HĐND huyện; lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo Văn phòng HĐND và UBND huyện; đại diện Tư vấn lập quy hoạch tỉnh Lai Châu.
Kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh có 02 nội dung chính là: (1) Xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết chấp thuận bổ sung danh mục các công trình, dự án thu hồi đất, mức vốn bồi thường giải phóng mặt bằng và danh mục các công trình, dự án phải chuyển mục đích sử dụng đất phát sinh năm 2021 trên địa bàn tỉnh; (2) cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
HĐND tỉnh đã nghe ông Nguyễn Ngọc Phương - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thừa ủy quyền Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tờ trình của UBND tỉnh về việc xin ý kiến vào Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nghe TS. Nguyễn Đình Chúc, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vưng Vùng, đại diện thành viên đứng đầu liên danh báo cáo nội dung chính của Quy hoạch.
Quang cảnh các điểm cầu kỳ họp thứ 3
Tại kỳ họp, TS. Nguyễn Đình Chúc – Chủ nhiệm dự án đã trình bày khái quát các kết quả nghiên cứu của Dự án. Từ các kết quả khảo sát về hiện trạng trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện nay, Dự án đã phân tích, đánh giá và chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của tỉnh Lai Châu trong giai đoạn lập quy hoạch. Chỉ ra các quan điểm phát triển của tỉnh. TS. Nguyễn Đình Chúc đã chỉ ra 5 quan điểm phát triển của tỉnh Lai Châu đó là: (1) Phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khai thác và phát huy, tiềm năng lợi thế và đực thù; (2) Phát triển nhanh và bền vững; (3) Phù hợp và nhất quán; (4) Huy động tốt và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; (5) Phát triển hài hòa, con người là trung tâm để thực hiện khát vọng phát triển. Dự trên 5 quan điểm này. Dự án đã đưa ra 2 kịch bản phát triển và đã lựa chọn 1 trong 2 kịch bản này đề thực hiện. Với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực quy hoạch, kịch bản được lựa chọn đã được phân tích, đánh giá để chỉ ra những mục tiêu phát triển với những chỉ tiêu kinh tế, văn hóa – xã hội, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, kết cấu hạ tầng và quốc phòng an ninh…
Dự án cũng chỉ ra những đột phá phát triển của tỉnh Lai Châu trong tương lai dựa trên ba trụ cột tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Từ đó, các chuyên gia tư vấn đã chỉ ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong từng giai đoạn cụ thể:
(1) Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tham mưu, ban hành các cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử.
(2) Tạo bước đột phá về phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu.
(3) Huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển 02 vùng kinh tế trên địa bàn tỉnh
(4) Phát triển du lịch theo hai hướng chính: (i) bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tìm hiểu lối sống, di sản, lễ hội, du lịch cộng đồng với quy mô phù hợp, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, văn hóa; (ii) thu hút đầu tư lớn, sản phẩm du lịch đa dạng, hiện đại, phục vụ du lịch quy mô lớn, tập trung vào các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, khám phá, du lịch mạo hiểm, du lịch tâm linh.
(5) Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế phát triển, nhất là thủy điện và công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp.
(6) Đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, trọng tâm vào cơ cấu sản phẩm có ưu thế, sản phẩm chủ lực của tỉnh.
(7) Tận dụng vị trí địa lý, phát triển thương mại, dịch vụ, kinh tế cửa khẩu.
(8) Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thông qua thu hút nhân tài và đào tạo nhân lực tại chỗ, Khơi dậy khát vọng phát triển, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp.
(9) Phát triển hạ tầng thông tin và tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực.
(10) Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ biên giới vững chắc; mở rộng, phát triển quan hệ đối ngoại xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển.
TS. Nguyễn Đình Chúc và các thành viên tham gia thực hiện Dự án báo cáo tại kỳ họp
Theo báo cáo tổng hợp ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh, tham gia vào Báo cáo Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, có trên 40 ý kiến tham gia vào báo cáo tóm tắt quy hoạch tỉnh, 15 ý kiến đề nghị chỉnh sửa một số nội dung báo cáo quy hoạch tỉnh, 03 ý kiến đề nghị bổ sung các hạng mục, giải pháp… Tại điểm cầu Mường Tè, đại biểu Lý Anh Hừ tham gia ý kiến đối với nội dung dự thảo về các khâu đột phá, định hướng bố trí không gian phát triển và các trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh; đại biểu đề nghị quan tâm hơn đến hướng phát triển tiềm năng phía tây của tỉnh (Phong Thổ, Sin Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè)…
Từ các kết quả dự án đã đưa ra, hai bên đã trao đổi, thảo luận, đóng góp các ý kiến nhằm mục đích báo cáo được hoàn thiện và thực hiện các bước tiếp theo. Hy vọng rằng, với sứ mệnh lớn lao của việc lập Quy hoạch tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Lai Châu sẽ là một tỉnh biên giới xanh, văn minh, giàu bản sắc văn hoá, hệ thống kinh tế, kết cấu hạ tầng hiện đại, là điểm nhấn phát triển, điểm kết nối quan trọng và địa bàn an ninh vững chắc của Vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Nguồn: Dự án Quy hoạch Lai Châu
Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng