Kinh tế toàn cầu sẽ hồi sinh bất chấp khủng hoảng Covid-19

Kinh tế thế giới dần thoát khỏi ''bóng đen'' Covid-19. Ảnh minh họa

Thận trọng trước những “cơn gió ngược”

Các chuyên gia kinh tế cho rằng dù ghi nhận đà phục hồi mạnh trong nửa đầu năm nay, song hiện các biến chủng Covid-19 mới đang “phủ bóng đen” lên triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và có nguy cơ gây gián đoạn hoạt động của nhiều nền kinh tế sản xuất tại châu Á.

“Việc các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện khiến Olympic Tokyo 2020 phải diễn ra trong tình trạng không có khán giả là một lời nhắc nhở đối với nền kinh tế thế giới. Trong thời gian qua, các thị trường tài chính đã xác định rằng cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra vẫn chưa kết thúc. Biến chủng Delta tiếp tục là một thách thức lớn” - chuyên gia kinh tế Ethan Harris tại Bank of America Securities nhận xét.

 

Làn sóng tái bùng phát dịch Covid-19 mới ở châu Á, đặc biệt tại Đông Nam Á, đang đe dọa làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và có thể gây ra nhiều áp lực về giá. Vì đóng vai trò là cơ sở sản xuất lớn của toàn cầu, nên việc áp lệnh phong tỏa tại một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan sẽ cản trở sản lượng hàng hóa của thế giới. Các nhà máy sản xuất hàng hóa cho các thương hiệu toàn cầu đang phải tạm dừng hoạt động, và có thể bỏ lỡ mùa mua sắm trong dịp lễ quan trọng ở các thị trường lớn.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu hoạt động xuất khẩu bị trì trệ thêm nữa, tác động của biến thể Delta đối với các nền kinh tế châu Á có thể lan rộng ra quy mô toàn cầu. Frederic Neumann, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại tập đoàn HSBC Holdings Plc ở Hồng Kông, cho biết: "Làn sóng lây nhiễm hiện tại ở châu Á có thể làm gián đoạn hơn nữa các mạng lưới sản xuất, và có nguy cơ kéo dài thương tổn đối với tăng trưởng kinh tế".

 

Nhận định về rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu có thể phải đối mặt trong thời gian tới, hơn 80% chuyên gia tham gia cuộc khảo sát của Reuters trong tháng này đồng ý rằng sẽ đến từ dịch Covid-19. Khoảng gần 70% các chuyên gia cho rằng tỷ lệ lạm phát tăng lên gần đây ở các nền kinh tế lớn chỉ trong ngắn hạn. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng lưu ý rằng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở dưới mức trước đại dịch và kỳ vọng lạm phát trong dài hạn vẫn “được duy trì tốt”.

 

Theo nghiên cứu được Đơn vị tình báo kinh tế (EIU) thuộc báo The Economist công bố hôm 25/8, các nước không tiêm đủ vaccine cho 60% dân số vào giữa năm 2022 sẽ chịu tổn thất tương đương 2.000 euro (2.348 tỷ USD) trong giai đoạn 2022 - 2025. Chuyên gia kinh tế Vishwanath Tirupattur tại Ngân hàng Morgan Stanley lưu ý: “Vaccine vẫn là chìa khóa. Rủi ro vẫn đang gia tăng ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp, đặc biệt là ở Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi và một số nền kinh tế khác”.

 

Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc bất ngờ giảm tốc cũng gây sức ép đối với tăng trưởng toàn cầu. Trong tháng 7 vừa qua, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã ghi nhận những mức tăng trưởng thấp hơn dự kiến, cả về sản lượng công nghiệp lẫn doanh số bán lẻ. Dữ liệu kinh tế “hụt hơi” của Trung Quốc có thể tạo thêm trở ngại mới đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh biến thể Delta đang có nguy cơ làm xáo trộn chuỗi cung ứng. "Nếu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hụt hơi trong bối cảnh làn sóng dịch bùng phát trở lại, đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới có thể phải đối mặt với những bước ngoặt khác, từ gián đoạn chuỗi cung ứng cho đến hoạt động tiêu thụ chậm hơn dự kiến" - Trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô của China Renaissance Securities Bruce Pang nhận định.

 

Đón nhận những tín hiệu khả quan

 

Theo Bloomberg, bất chấp dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại tại nhiều nước do đà lây lan mạnh của biến thể Delta, nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế thế giới vẫn trên đà phục hồi tích cực, ít nhất là trong ngắn hạn.

 

Theo dự báo mới nhất, tổng sản phẩm quốc nội thế giới trong quý III/2021 đang trên đà tăng trưởng ở mức 1,8%. Chỉ số tăng trưởng này được cải thiện mạnh mẽ so với quý trước bất chấp sự lây lan của biến thể Delta tại nhiều khu vực, đặc biệt là châu Á. Điều này cũng là dấu hiệu trấn an các nhà đầu tư và giới hoạch định chính sách trước lo ngại về rủi ro cầu suy yếu và giá cả tăng cao.

 

Trên thực tế, các dữ liệu hiện tại thể hiện sự khởi đầu tích cực trong quý III khi tiến trình phục hồi toàn cầu đang tăng tốc và lạm phát dần được điều chỉnh. Trong khi kinh tế Trung Quốc và khu vực châu Á đang chịu tác động tiêu cực từ làn sóng tái bùng phát dịch Covid-19 mới thì các chỉ số kinh tế của Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản… đều cho thấy các tín hiệu tăng trưởng tích cực, giúp giữ vững đà tăng trưởng toàn cầu.

 

Tốc độ hồi phục của kinh tế Mỹ sau cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 đạt mức cao kỷ lục nhờ chi tiêu tiêu dùng và đầu tư DN lên mạnh. Sau khi chạm mức đáy của đợt suy thoái nghiêm trọng vào năm ngoái, nền kinh tế lớn nhất thế giới được ví như lò xo bật trở lại trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi. Theo CNN, kịch bản về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II/2021 cao nhất so với cùng kỳ trong 7 thập kỷ qua. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, GDP của nước này trong quý II leo dốc 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi phục hồi 6,3% trong quý trước đó.

 

Cùng với Mỹ, tăng trưởng GDP của Khu vực đồng euro (Eurozone) trong quý II/2021 cũng khởi sắc khi tăng 2% so với quý I và tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2020, sau hai quý giảm liên tiếp. Đối với toàn Liên minh châu Âu (EU), mức tăng trưởng kinh tế đạt 1,9%. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), nền kinh tế Eurozone phục hồi mạnh mẽ trong quý II năm nay, nhờ những tiến triển về việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 và nới lỏng các biện pháp hạn chế y tế. Trước đó, trong quý đầu tiên năm nay, GDP của Eurozone đã sụt 0,3%, sau khi ghi nhận mức giảm 0,6% trong 3 tháng cuối năm 2020.

 

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng năm 2021 cũng đem đến 3 thông tin quan trọng giúp củng cố thêm kỳ vọng về triển vọng sáng sủa hơn đối với kinh tế toàn cầu, khi nhiều quốc gia thay đổi trong chiến lược từ ngăn chặn virus lây lan một cách nghiêm ngặt, sang chung sống với Covid-19. Thông tin thứ nhất, đó là thiệt hại dài hạn do đại dịch Covid-19 dù không nhỏ, nhưng sẽ không lớn hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009. Dịch Covid-19 tấn công các nền kinh tế được xem như một cú sốc bất ngờ, không phải là kết quả của một vấn đề nền tảng phát sinh trong hệ thống cần phải được sửa chữa. Chính vì vậy, việc nhiều nền kinh tế lớn phục hồi mức tăng trưởng về quy mô trước đại dịch là điều đáng mừng.

 

Thông tin thứ hai là các nền kinh tế phát triển có thể thích ứng tốt hơn nhiều trước các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch bệnh, ít nhất là so với làn sóng lây nhiễm đầu tiên. Đối với các nền kinh tế mạnh, chính sự vững vàng đã cho phép các chính phủ áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt mà không quá lo ngại về thiệt hại kinh tế như thời điểm đại dịch mới bùng phát.

 

Vaccine ngừa Covid-19 có hiệu quả là thông tin tích cực thứ ba đối với “sức khỏe” của nền kinh tế toàn cầu. Vaccine làm gia tăng triển vọng, con người có thể tiếp tục với cuộc sống bình thường mà không quá phải lo sợ những hạn chế đi lại nghiêm ngặt sẽ kéo dài vĩnh viễn.

Vấn đề thiếu hụt và phân bổ vaccine không đồng đều giữa các khu vực có thể khiến nền kinh tế toàn cầu tiếp tục chịu tác động của khủng hoảng dịch bệnh. Theo thống kê, hơn 40% dân số ở các nền kinh tế phát triển đã được tiêm chủng đầy đủ, một số quốc gia như Mỹ, Israel đã tiến đến tiêm mũi vaccine thứ ba, nhưng tỷ lệ tiêm chủng tại các nền kinh tế mới nổi chỉ là 11%. Sự mất cân bằng trong phân bổ nguồn vaccine sẽ dẫn đến xu hướng phân hóa trong phục hồi kinh tế và thương mại, bao gồm nhóm các nước kỳ vọng mở cửa lại nền kinh tế một cách bình thường vào cuối năm, phần lớn là các quốc gia phát triển; nhóm còn lại là các nước phải chạy đua với việc tiêm chủng quy mô lớn, và tiếp tục thực hiện biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn đợt lây nhiễm Covid-19 mới và tử vong.

Nguồn: https//kinhtedothi.vn/kinh-te-toan-cau-se-hoi-sinh-bat-chap-khung-hoang-covid-19-433464.html
Tags: Kinh tế , Phát triển kinh tế , Kinh tế toàn cầu , Covid 19
Tin liên quan