Chính sách mua sắm xanh của Chính phủ: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

     Giới thiệu
    Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các chính phủ ngày càng quan tâm đến việc giảm thiểu tác động của quá trình tăng trưởng kinh tế đến môi trường. Đồng thời, các vấn đề về chi phí xử lý chất thải, ô nhiễm môi trường và mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng cũng thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn để quản lý và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong mức giới hạn của nguồn tài chính công, thay vì chi trả cho chi phí bảo vệ môi trường, các chính phủ có xu hướng thực hiện các hoạt động bền vững hơn, đặc biệt liên quan đến hoạt động mua sắm.
     Tại các nước phát triển, chi tiêu công của các chính phủ cho hàng hóa, dịch vụ, công trình thường chiếm 10 - 15% GDP, con số này tại các nước đang phát triển có thể lên tới 50 - 60% (Perera, 2012). Việc sử dụng nguồn tài chính này để lựa chọn hàng hóa, dịch vụ và các công trình có ít tác động xấu đến môi trường hơn sẽ đóng góp đáng kể cho mục tiêu phát triển bền vững của địa phương, khu vực, quốc gia và quốc tế.
     Mua sắm xanh không chỉ giúp bảo vệ môi trường, mà còn góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước (tuy nhiên không phải cho kết quả ngay lập tức). Bên cạnh đó, chính sách mua sắm xanh của Chính phủ là động lực chính cho sự đổi mới khi khuyến khích các ngành công nghiệp phát triển sản phẩm và dịch vụ xanh. Điều này đặc biệt đúng trong các lĩnh vực mà chi tiêu công chiếm phần lớn thị trường (ví dụ: xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ y tế, hoặc giáo dục). Chính sách chi tiêu công của các cơ quan chính phủ cũng có ảnh hưởng đáng kể đến thị trường. Khi nhà nước khuyến khích các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận dễ dàng hơn với những mặt hàng này. Vì vậy, tăng cường sự quan tâm và sự tham gia của các cơ quan nhà nước cũng như các tổ chức tư nhân đối với vấn đề mua sắm xanh sẽ góp phần gia tăng các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế những sản phẩm hiện tại, từ đó thúc đẩy và hoàn thiện mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững.
      Trong hai Hiệp định thương mại thế hệ mới mà chính phủ Việt Nam đã ký kết (Hiệp định EVFTA và CP-TPP) có các điều khoản về mua sắm công. Do đó, việc nghiên cứu về chính sách mua sắm xanh của chính phủ là cần thiết. Tuy nhiên, tại nước ta, mua sắm công xanh là một lĩnh vực mới, chưa có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu. Vì vậy, báo cáo “Chính sách mua sắm xanh của chính phủ: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” đã được thực hiện. Báo cáo này sẽ tập trung phân tích khung lý thuyết về mua sắm công xanh, đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia về chính sách mua sắm xanh và rút ra bài học cho Việt Nam.
       Mục tiêu của báo cáo là tổng kết kinh nghiệm quốc tế về chính sách mua sắm xanh của chính phủ và rút ra bài học cho Việt Nam, cụ thể:
      - Làm rõ khái niệm và lợi ích của chính sách mua sắm xanh;
     - Tổng kết kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề xây dựng và thực thi chính sách mua sắm xanh, trong nôi dung này, báo cáo xem xét chu trình chính sách mua sắm công xanh của chính phủ tại một số quốc gia trên thế giới, tại các bước khởi sự và hoạch định chính sách, thực thi chính sách, cơ chế giám sát và kết quả đạt được, thời gian từ năm 2007-2017;
     - Rút ra một số bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạch định và thực thi chính sách mua sắm xanh tại Việt Nam.

      Chi tiết cụ thể xin xem file đính kèm.


Nguồn: Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng
Tags: Chính sách , Mua Sắm công , Mua sắm công xanh
Tin liên quan