Phần mở đầu
Hợp tác công - tư (Public – Private Partner - PPP) tại Việt Nam được hiểu là "việc nhà nước và nhà đầu tư tư nhân cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án” (Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg1). Hợp tác công tư được ghi nhận xuất hiện đầu tiên tại Mỹ vào những năm 1950, nhưng chỉ thực sự phát triển vào những năm 1980 (Yescombe, 2007) và đóng góp vai trò đáng kể trong việc phát triển cơ sở hạ tầng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, PPP được xem như một công cụ cải cách quan trọng trong lĩnh vực quản lý công. Đây là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao, sử dụng được kỹ năng, công nghệ hiện đại và tính hiệu quả trong quản lý của khu vực tư nhân; buộc khu vực nhà nước ngay từ đầu phải chú trọng vào đầu ra và lợi ích; đưa vốn tư nhân vào và giúp giảm nhẹ gánh tài chính cho dự án; rủi ro được chia sẻ giữa các đối tác khác nhau…
Hợp tác công tư trong cung cấp dịch vụ quản lý môi trường là"việc Nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân cùng phối hợp thực hiện dự án cung cấp dịch vụ quản lý môi trường dựa trên cơ sở của hợp đồng dự án”. Trong khuôn khổ báo cáo này, tác giả giới hạn đối tượng nghiên cứu là các dự án về cung cấp dịch vụ thu gom, tái chế, xử lý chất thải rắn.
Việt Nam cũng đã và đang triển khai nhiều dự án theo phương thức này. Theo Nguyễn Hồng Thái (2010), trong giai đoạn 1994-2009 có 32 dự án với tổng mức vốn cam kết khoảng 6,7 tỉ đô la. Trong lĩnh vực quản lý môi trường, đến nay đã có nhiều các dự án đang được nghiên cứu triển khai như: Dự án xử lý rác thải công nghệ cao Sóc Sơn, Hà Nội; Dự án nhà máy xử lý nước thải KCN An Nghiệp, Sóc Trăng; Dự án cấp nước BOT Bình An; Dự án cấp nước BOO Thủ Đức, Dự án quản lý rác thải Đa Phước,... Tuy vậy, hiệu quả thực tế của các dự án là chưa cao. Việt Nam đứng thứ 134 trong tổng số gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ về hiệu quả đầu tư PPP. Sau gần 5 năm thí điểm thực hiện Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về thí điểm đầu tư PPP cũng chưa có dự án PPP nào được triển khai cụ thể.
Trong khi đó, từ kinh nghiệm trong nước và trên thế giới cả về lý thuyết và thực tiễn đều khẳng định rằng, tuy vẫn có những thách thức từ nhiều phía, nhưng về cơ bản thì PPP là cần thiết và khá hiệu quả, đặc biệt tại những nước đang phát triển. Đối với Việt Nam, PPP cũng đã và đang được coi là một cứu cánh hiệu quả cho cả đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cấp dịch vụ công, trong đó có dịch vụ quản lý chất thải.
Tuy vậy, những nghiên cứu làm cơ sở khoa học cho việc triển khai PPP trong cung cấp dịch vụ môi trường Việt Nam còn thiếu; hiệu quả trong thực tế triển khai các dự án theo hình thức này chưa như kỳ vọng. Chính vì vậy, tác giả tiến hành nghiên cứu tổng quan kinh nghiệm thực hiện PPP trên thế giới trong cung cấp dịch vụ môi trường nhằm cung cấp những luận cứ khoa học cũng như kinh nghiệm thực tiễn cho việc triển khai PPP trong cung cấp dịch vụ môi trường tại Việt Nam.
Chi tiết xin xem file đính kèm.