Giới thiệu
Trong tình hình hiện nay, các vấn đề ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái và khí hậu thay đổi đang ngày càng có những biểu hiện rõ nét, và trở thành những vấn đề nóng toàn cầu. Chỉ tính riêng lượng khí phát thải trực tiếp và gián tiếp quy đổi ra CO2 của ngành công nghiệp (không tính công nghiệp năng lượng và các ngành về xây dựng) chiếm tới 32% tổng lượng phát thải trên toàn thế giới (IPCC, 2011). Đây là thách thức đối với việc giảm phát thải sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và nhiên liệu trong các ngành công nghiệp. Chính vì vậy thế giới tiếp cận lý thuyết sinh thái học công nghiệp (STHCN) nhằm tạo ra dòng luân chuyển vật chất và năng lượng tương tự như một chu trình sinh thái tự nhiên trong các cơ sở công nghiệp, khu vực tập trung công nghiệp. Đặc biệt là sự hình thành và ra đời của các khu công nghiệp sinh thái (KCNST) với các trường hợp điển hình như: Kalundborg ở Đan Mạch, KCNST Burnside ở Canada … Trong khu vực Châu Á, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng phát triển các KCNST như: Ulsan, Pohang, Yeosu, Banwol-Sihwa và Cheongju (Hàn Quốc) và đã đạt được những thành tựu nhất định trong mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.
Ở Việt Nam, qua hơn 30 năm từ khi phát triển khu công ngiệp (KCN) ở Việt Nam cho thấy nhiều vấn đề tồn tại trong quá trình phát triển, quy hoạch, và hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội, môi trường của KCN. Riêng trong khía cạnh về môi trường, lượng rác thải chưa xử lý ra môi trường còn lớn, hoặc đã qua xử lý nhưng chưa đạt tiêu chuẩn đặt ra. Với kì vọng phát triển kinh tế hiệu quả hơn theo hướng tiếp cận lý thuyết STHCN, cụ thể là phát triển KCNST là một hướng tất yếu trong phát triển kinh tế ở Việt Nam. Đây cũng là một xu thế của nhiều nền kinh tế, với thành công của các quốc gia đi trước ở Tây Âu. Vì vậy, nghiên cứu này nhằm làm rõ vấn đề lý luận chung về KCNST, tìm hiểu kinh nghiệm trong việc hình thành và phát triển các KCNST ở hai nước trên thế giới là Hàn Quốc và Trung Quốc.
Nghiên cứu tập trung vào kinh nghiệm trong việc chuyển đổi mô hình từ KCN sang KCNST, cũng như kinh nghiệm phát triển KCNST lâu dài và ổn định. Bên cạnh đó, trong trường hợp của Việt Nam từ thực trạng phát triển các hình thức KCN hiện tại và các vấn đề đang đặt ra về hiệu suất và ý nghĩa về mặt môi trường, nghiên cứu cũng sẽ đưa ra gợi ý cho việc hình thành và phát triển KCNST ở Việt Nam để tăng hiệu suất trao đổi chất công nghiệp, đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Chi tiết xin xem file đính kèm