Mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030

      Trải qua 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội, kể từ Ðại hội VI (năm 1986), Việt Nam đã chuyển đổi tương đối thành công từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đạt được những thành tựu đáng kể về phát triển kinh tế - xã hội gắn với xóa đói giảm nghèo. Trong đó, từ một quốc gia có nền nông nghiệp lạc hậu, kém phát triển trở thành nước có mức thu nhập trung bình, với tốc độ tăng trưởng khá, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, đặc biệt Việt Nam đã hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và gây ấn tượng mạnh trong việc giảm tỷ lệ xóa đói giảm nghèo. Kết quả này cho thấy, việc chuyển sang nền kinh tế thị trường là lựa chọn đúng đắn, góp phần giải phóng những tiềm lực to lớn của đất nước, mở ra những cơ hội thay đổi thần kỳ trong phát triển kinh tế.

      Mặc dù vậy, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, thâm dụng lao động cũng như sự lỏng lẻo trong quản lý môi trường… có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng thiếu tính bền vững. Đến nay, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ tụt hậu lớn. Sự ra đời của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang làm biến đổi mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu, nó có tác động lớn như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ nano, vật liệu mới…đặc biệt nhờ vào sự phát triển của hạ tầng công nghệ thông tin và internet, mà đỉnh cao là mạng lưới vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn (Big data)… đã tạo ra những thay đổi căn bản trong thương mại, đầu tư và nhu cầu trên thế giới.

      Để tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, tạo ra những đột phá trong tăng trưởng kinh tế, đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần bứt phá và đổi mới mô hình tăng trưởng thay thế cho mô hình cũ lạc hậu, kém tính bền vững nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thức XIII của Đảng với nhiệm vụ: “đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng…đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, năm 2021, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách chuyên khảo: “Mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030” do PGS.TS. Bùi Quang Tuấn và TS. Hà Huy Ngọc đồng chủ biên.

      Ngoài Lời giới thiệu và Kết luận, nội dung chính của cuốn sách được kết cấu thành 5 chương:

      Chương 1. Lý luận và thực tiễn về mô hình tăng trưởng dựa vào hệ thống khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo

     Chương này, nhóm tác giả tập trung trình bày khái quát một số vấn đề lý luận về mô hình tăng trưởng, trong đó làm rõ một số khái niệm liên quan như: tăng trưởng kinh tế; mô hình tăng trưởng kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế; nền kinh tế số… Trong số các mô hình tăng trưởng kinh tế chủ yếu được đề cập trong nghiên cứu này, nhóm tác giả chỉ ra rằng, mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo là xu thế tất yếu của phát triển nền kinh tế. Các công nghệ cốt lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi lợi thế so sánh giữa các nền kinh tế. Tài nguyên thiên nhiên, lao động chi phí thấp, thậm chí cả tiền vốn sẽ mất dần lợi thế so với đổi mới sáng tạo; và đổi mới sáng tạo sẽ dần trở thành động lực tăng trưởng hàng đầu đối với tất cả các nền kinh tế. Do đó, một yêu cầu cơ bản đối với quốc gia cũng như doanh nghiệp là phải bắt kịp với xu thế công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0, rút ngắn tối đa khoảng cách thời gian giữa ý tưởng, phát minh sáng chế và thương mại hóa, đưa sản phẩm ra thị trường. Trên cơ sở khảo cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới (Thụy Điển, Ixraen, Xingapo, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc) về xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhóm tác giả rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam để vận dụng trong xây dựng chính sách khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia.

      Chương 2. Khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo trong mô hình tăng trưởng ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020

      Nhóm tác giả tập trung phân tích 4 nội dung chính sau: (i) Các chính sách thúc đẩy khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam; (ii) Thực trạng hệ thống khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam; (iii) Việt Nam trước ngưỡng cửa của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; (iv) Hiện trạng và xu hướng phát triển các trung tâm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong giai đoạn này, bên cạnh những thành tựu nhất định mang lại do những điều chỉnh của chính sách thúc đẩy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhóm tác giả đã chỉ ra một số bất cập còn tồn tại sau: Thứ nhất, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo là lĩnh vực đặc thù, do đó phải có cơ chế vượt trội cho khoa học – công nghệ, trong đó bao gồm cả vấn đề về thuế và cơ chế hạch toán doanh nghiệp; Thứ hai, chúng ta chưa xem trường đại học như một chủ thể nghiên cứu; Thứ ba, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia tuy bước đầu hình thành, nhưng thiếu liên kết trong toàn hệ thống cũng như trong nội bộ từng chủ thể dẫn đến phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả thấp, chưa thực sự hướng vào chủ thể trung tâm là doanh nghiệp; Thứ tư, hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp gặp nhiều rào cản; Thứ năm, môi trường thể chế không khuyến khích hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ; Thứ sáu, thiếu chương trình tài trợ vốn hiệu quả cho hệ thống đổi mới sáng tạo.

      Chương 3. Đánh giá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2021

     Chương này, nhóm tác giả mang đến cho độc giả bức tranh toàn cảnh về phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 trên cơ sở đánh giá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 với các nội dung sau: (i) đánh giá mô hình tăng trưởng; (ii) đánh giá quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; (iii) đánh giá thực hiện đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường; (iv) đánh giá thực trạng một số chiều cạnh, trong đó tăng trưởng phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Trên cơ sở phân tích, đánh giá quá trình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2021, các tác giả đã tập hợp và thống kê dữ liệu từ các Bộ, Ban, ngành và khẳng định, về cơ bản chúng ta đã đạt được mục tiêu hoặc tiếp cận gần với mục tiêu của Chiến lược, chỉ có một số chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng, lao động nông thôn, đào tạo nghề là không đạt so với mục tiêu của Chiến lược, nhiều mục tiêu không đạt được do hạn chế, khiếm khuyết của mô hình tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn vừa qua bởi mô hình tăng trưởng cũ đã tới hạn, khó có thể khai thác thêm để có không gian cho tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững.

      Chương 4. Bối cảnh và các chiều hướng tác động đến mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

      Trên cơ sở phân tích xu hướng, bối cảnh quốc tế, khu vực cũng như bối cảnh trong nước, nhóm tác giả đưa ra một số nhận định sau: (i) Cùng với toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đã và đang là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay; (ii) Thế giới bước vào kỷ nguyên số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, làm thay đổi những nền tảng của tăng trưởng và phát triển trên phạm vi toàn cầu; (iii) Ngành dịch vụ tăng nhanh, tích hợp mạnh mẽ vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế đang làm thay đổi bản chất và kết quả của công nghiệp hóa với sự phụ thuộc ngày càng lớn vào dịch vụ; (iv) Châu Á được dự báo là sẽ tiếp tục giữ được nhịp độ tăng trưởng cao và phát triển năng động trong 10 năm tới cũng như với tầm nhìn đến năm 2040 và trở thành một trung tâm của thế giới; (v) Đại dịch covid-19 có thể đẩy nền kinh tế thế giới vào một giai đoạn suy thoái trầm trọng nhất trong lịch sử, do đó các quốc gia trên thế giới đều hướng đến việc áp dụng hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho nền kinh tế; (vi) Trước bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động song nền kinh tế của Việt Nam vẫn tiếp tục cam két phát triển đất nước theo định hướng thị trường với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, nhiều xu hướng kinh tế hình thành từ thời kỳ đổi mới vẫn tiếp tục là định hướng phát triển cho nền kinh tế hiện nay. Điểm nổi bật của chương này là nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số kịch bản dự báo phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến năm 2045 và chỉ ra những lợi thế, bất lợi, cơ hội và thách thức của Việt Nam trong bối cảnh phát triển mới.  

     Chương 5. Giải pháp nhằm tạo lập mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

      Dựa trên những điểm mạnh, điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020 cùng với những cơ hội, thách thức mà nền kinh tế nước ta phải đối mặt trong giai đoạn 2021-2030, nghiên cứu cho rằng, Việt Nam cần phải quyết liệt đổi mới tư duy về mô hình tăng trưởng và phát triển cho phù hợp với điều kiện của kỷ nguyên số, thay đổi cấu trúc và mạng lưới kinh tế thế giới và xuất hiện các phương thức, mô hình sản xuất, kinh doanh mới. Để khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thật sự là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt, là phương tiện quan trọng nhất để đổi mới mô hình tăng trưởng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị sau: Thứ nhất, nâng cao năng lực hệ thống khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia; Thứ hai, về tổ chức bộ máy cần nâng cao tính liêm chính, trong sạch của bộ máy thực thi, đẩy nhanh việc thành lập chính phủ số và tập trung nghiên cứu thành lập cơ quan mới liên quan đến kinh tế số, kinh tế sáng tạo; Thứ ba, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; Thứ tư, các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó nhấn mạnh đến khuyến khích các ý tưởng mới và phát minh sáng chế…; Thứ năm, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế số; Thứ sáu, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; Thứ bảy, có các giải pháp phòng ngừa rủi ro trong kỷ nguyên số.

       Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu của tập thể tác giả, với 173 tài liệu tham khảo từ các chuyên gia và tổ chức uy tín trong và ngoài nước, cùng với các phương pháp nghiên cứu liên ngành, đa ngành,… nhóm nghiên cứu đã cung cấp cho độc giả một cách hệ thống về lý luận và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế về xây dựng mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học…Qua cách thức trình bày khoa học, phân tích logic và những dẫn chứng cụ thể, hy vọng cuốn sách sẽ là nguồn tài liệu hữu ích không chỉ cho những nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp mà còn cho những độc giả khác quan tâm tới mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Sách hiện đang sẵn trong kho sách của thư viện, Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!


Nguồn: Sách có trong thư viện - Sẵn sàng phục vụ
Tags: Mô hình tăng trưởng , Khoa học và Công nghệ , Đổi mới sáng tạo , Phát triển kinh tế
Tin liên quan