Tham dự hội thảo có: PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội; PGS.TS. Lê Hải Đăng, Phó Viện trưởng; Ông Ando Toshiki, Giám đốc Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam; TS. Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; TS. Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban ký ức thế giới UNESCO khu vực Châu Á- Thái Bình Dương; GS.TS. Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; TS. Nguyễn Thu Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I; GS.TS. Andrew Hardy, nguyên Trưởng Văn phòng đại diện EFEO tại Hà Nội cùng các học giả đến từ Nhật Bản và Việt Nam.
Hội thảo có sự tham gia trực tuyến của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu từ các đầu cầu Nhật Bản (Đại học Waseda, Đại học Shinshu, Đại học Kyoto, Đại học Sendai, Học viện Meiji, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nhật Bản, Viện Tư liệu Nghiên cứu Quốc văn học Nhật Bản, từ đầu cầu Pháp (EFEO Paris), từ đầu cầu Malaysia (Thư viện Quốc gia Malaysia).
PGS.TS. Vũ Hùng Cường phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Thư viện Khoa học xã hội do Viện Thông tin Khoa học xã hội được giao quản lý đang lưu trữ các tài liệu rất phong phú về dạng (báo- tạp chí, sắc phong, tranh ảnh, đĩa hát, bản đồ, microfilm, microfiche, phim kích, phim đèn chiếu và phim tấm, bản vẽ, bản rập bia…) và về ngữ (Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Hán cổ, Nhật Bản cổ, dân tộc thiểu số,…), trong đó phải kể đến các tài liệu số những kho tài liệu cổ, quý, hiếm đó, kho tư liệu Nhật Bản cổ với hơn 11.000 đầu sách được đánh giá là một trong số những kho tư liệu quý hiếm vào loại bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á về Đông phương học.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Vũ Hùng Cường nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đủ các đại biểu tham dự, đồng thời cho biết: Với mong muốn đưa Kho tư liệu Nhật Bản cổ vào đời sống, phục vụ hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, trong nhiều năm qua, Viện thông tin đã xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thư mục và trong giai đoạn 2014-2018. Bên cạnh đó PGS Viện trưởng cũng nhấn mạnh rằng, qua khảo cứu ban đầu, Viện Thông tin Khoa học xã hội và các chuyên gia Nhật Bản cùng thống nhất đánh giá về giá trị của nguồn tư liệu, chỉ ra được một số tài liệu quý thâm chí không còn được lưu trữ ở Nhật Bản và khẳng định cần có sự tham gia của các nhà chuyên môn sâu trong từng lĩnh vực liên quan của tư liệu, có đủ khả năng để đánh giá, khai thác, nghiên cứu kho tư liệu rất có giá trị này.
PGS.TS. Vũ Hùng cường cũng nhấn mạnh đến mục tiêu của Hôi thảo nhằm giới thiệu hiện trạng và tiềm năng khai thác/ nghiên cứu Kho tư liệu phục vụ đời sống xã hội, mở ra các cơ hội hợp tác trong hoạt động bảo quản, khái thác, nghiên cứu, chia sẻ tri thức được phản ánh trong nội dung các đầu sách của Kho tư liệu Nhật Bản cổ.
Ông Ando Toshiki phát biểu chào mừng tại Hội thảo
Trong phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Ông Ando Toshiki trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Viện Thông tin và nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ đề hội thảo sẽ nâng cao tầm hiểu biết về xuất xứ, hình thành kho tư liệu cổ, quí của Thư viện Khoa học xã hội, chia sẻ kiến thức và đưa ra tầm nhìn dài hạn về việc sử dụng và khai thác kho tư liệu này giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ông cũng đánh giá cao giá trị của kho tư liệu bao gồm những tài liệu khác nhau trên nhiều lĩnh vực (lịch sử, văn hóa, xã hội của Nhật Bản) và khu vực, thế giới và mong muốn nhận được nhiều trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm sử dụng hiệu quả cũng như lan tỏa, phát triển tri thức học thuật trong khu vực và thế giới.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo được chia làm 2 phiên thảo luận, tập trung vào 02 vấn đề chính: Kho tư liệu Nhật Bản cổ: giá trị và tiềm năng nghiên cứu và bảo quản, khai thác giá trị tư liệu. Các đại biểu được lắng nghe báo cáo từ các nhà quản lý, nhà nghiên cứu Nhật Bản, Pháp, Malaysia và Việt Nam trình bày kết quả khảo sát, tìm hiểu, nghiên cứu bước đầu về Kho tư liệu Nhật Bản cổ; thảo luận các tiềm năng, triển vọng và hướng nghiên cứu trên cơ sở khai thác nội dung Kho tư liệu Nhật Bản cổ; thông tin tổng quan về hiện trạng bảo quản Kho tư liệu Nhật Bản cổ tại Thư viện Khoa học xã hội; chia sẻ các vấn đề và kinh nghiệm bảo quản, quản lý, khai thác giá trị kho tư liệu cổ.
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm
Qua các báo cáo tham luận và thảo luận của hai phiên tại Hội thảo, các đại biểu đã phác họa bức tranh khá toàn diện ban đầu về quy mô và giá trị của kho tư liệu Nhật Bản cổ đang lưu trữ tại Thư viện Khoa học xã hội và cho thấy được khả năng hợp tác trong khai thác, nghiên cứu Kho tư liệu Nhật Bản cổ. Bên cạnh đó, nhằm hiện thực hóa các hoạt động hợp tác, các bên (trong đó Viện Thông tin Khoa học xã hội nắm vai trò chủ đạo) phải nỗ lực vượt qua các thách thức: hoàn thiện cơ sở dữ liệu thư mục số nâng cao; số hóa tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu số (toàn văn); tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, phần mềm quản lý; xây dựng quy chế và cơ sở pháp lý để các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước có thể tiếp cận, khai thác thuận lợi tư liệu từ xa.
Góc trưng bày tài liệu cổ
Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích, có giá trị từ các nhà quản lý, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế nhằm quảng bá, khai thác, nghiên cứu kho tư liệu Nhật Bản cổ nói riêng và các kho tư liệu quý tại Thư viện Khoa học xã hội nói chung góp phần tăng cường hợp tác, hội nhập, nâng cao hiệu quả tư vấn chính sách cho Chính phủ trong thời gian tới.