Hội thảo quốc tế trực tuyến “Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia ở Châu Âu: Các xu hướng, chính sách, thách thức và những bài học cho Việt Nam”

GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phát biểu chào mừng Hội thảo

    Hệ thống đổi mới-sáng tạo quốc gia (NIS) đã được phát triển và hoàn thiện tại các quốc gia phát triển Châu Âu từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX và đóng vai trò chủ đạo trong quá trình phát triển bền vững của khu vực. Để phát huy hiệu quả của hệ thống đổi mới quốc gia, các quốc gia EU đã tập trung vào một số lĩnh vực như: tăng cường năng lực của các trường đại học, hạ tầng nghiên cứu và mở rộng hợp tác quốc tế, bao gồm các cơ hội việc làm cho các nhà nghiên cứu nước ngoài, cung cấp các chương trình đào tạo và môi trường học tập tiên tiến. Các khuyến khích ưu đãi tài chính thúc đẩy cạnh tranh giữa các quốc gia để thu hút các trung tâm nghiên cứu R&D nước ngoài. Những chính sách trên đã có những tác động tích cực đến quá trình ĐMST của các quốc gia EU, góp phần duy trì sức mạnh công nghệ của toàn khối như một Trung tâm KHCN tiên tiến của thế giới.

    Hệ thống đổi mới - sáng tạo quốc gia (NIS) bao gồm nhiều bên liên quan liên kết với nhau nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo của một quốc gia, cụ thể: (i) Các cơ quan quản lý nhà nước thiết kế và ban hành các chính sách thúc đẩy các hoạt động R&D, xây dựng năng lực khoa học công nghệ, hình thành thị trường sản phẩm, tạo ra yêu cầu mới về chất lượng; xây dựng mạng lưới và liên kết tri thức, hỗ trợ đổi mới sáng tạo thông qua việc ươm tạo, cung cấp tài chính và tư vấn, v.v... (ii) Khu vực doanh nghiệp đóng vai trò là Trung tâm của ĐMST, vừa là chủ thể đầu tư vào R&D, vừa là nơi thương mại hóa các kết quả R&D của các tổ chức KHCN khác; (iii) Các tổ chức R&D và các trường đại học là nguồn cung cho hoạt động ĐMST; (iv) Các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian, kết nối cung cầu đối với ĐMST. Cách tư duy hệ thống này mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia nhằm giải quyết những thách thức lớn về tăng trưởng dài hạn và quan trọng hơn nó góp phần làm gia tăng sức cạnh tranh của mỗi quốc gia trên thế giới.

     Phát biểu chào mừng Hội thảo, GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhiệt liệt chào mừng các quý đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo. GS. Đặng Nguyên Anh cho biết, thế giới ngày nay đang phải đối mặt với những thách thức và khủng hoảng khó lường, đe doạ nghiêm trọng đến sự thịnh vượng và năng lực cạnh tranh của các quốc gia. Hội thảo của chúng ta diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt khi đại dịch COVID-19 vẫn đang tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe và tính mạng của người dân ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các quốc gia đang nỗ lực tìm ra các động lực tăng trưởng mới và bền vững hơn. Đổi mới sáng tạo (ĐMST) và nâng cấp liên tục năng lực công nghệ chính là chìa khoá mở ra nguồn tăng trưởng mới và bền vững cho mọi quốc gia.

    GS. Đặng Nguyên Anh khẳng định, là một quốc gia đang phát triển với nhiều khó khăn, song Việt Nam rất quan tâm và có nhiều biện pháp để thúc đẩy phát triển ĐMST, trong đó, tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện Hệ thống đổi mới-sáng tạo quốc gia. Thời gian qua Chính phủ đã có một số nỗ lực tích cực trong ban hành chính sách cũng như thiết lập các tổ chức thúc đẩy ĐMST ví dụ như Trung tâm ĐMST quốc gia, Qũy Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), Qũy Phát triển KHCN quốc gia (NAFOSTED), và thúc đẩy ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo nói riêng. Tuy nhiên những kết quả thu được còn rất khiêm tốn và thực tiễn triển khai còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập như năng lực thiết kế chính sách, hiệu quả của các chính sách, chương trình hỗ trợ, năng lực tự thân của doanh nghiệp, mối liên kết giữa các chủ thể ĐMST, v.v… GS.TS. Đặng Nguyên Anh nhấn mạnh trong thời gian tới, Chính phủ cần nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn trên nhằm khai thông nguồn lực đầu tư thúc đẩy các hoạt động ĐMST.

PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu
Châu Âu phát biểu tại Hội thảo

Ông Florian Feyerabend, Trưởng Đại diện quỹ KAS của CHLB Đức tại Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo

     Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu dẫn chứng, sau hơn 30 năm “Đổi mới”, cải cách theo hướng tự do hóa từ năm 1986 đã mang lại cho Việt Nam những thành tích to lớn. Từ một nước nghèo thu nhập dưới 100 USD trong thập kỷ 1980, đến nay Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình thấp và đang nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Tuy nhiên, những cải cách theo hướng tự do hóa như trên là chưa đủ để đảm bảo cho Việt Nam đạt được mục tiêu vào năm 2030, khi nền kinh tế trong thập kỷ vừa qua đã tăng trưởng chậm lại và bộc lộ những bất ổn kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng nhờ tự do hóa đã gần như khai thác hết khả năng và đây là lúc Việt Nam cần phải tiến hành cải cách phiên bản 2.0 dựa trên nền tảng KHCN, Đổi mới sáng tạo.

    Viện trưởng Thắng cho biết, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định KHCN nói chung và ĐMST nói riêng phải trở thành động lực quan trọng trong mô hình tăng trưởng mới, đặc biệt trong bối cảnh CMCN 4.0 đang phát triển nhanh chóng. Nội dung ĐMST đã được Chính phủ lồng ghép vào công tác điều hành quản lý nhà nước về cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó theo Nghị định 19 năm 2017, khác với các văn bản thường niên trước đây của CP về  cải thiện môi trường kinh doanh, Nghị định này đã bổ sung thêm các chỉ tiêu về ĐMST trong hoạt động điều hành.

    Những thành công ban đầu đã được ghi nhận: theo chỉ số GII của tổ chức WIPO, Việt Nam từ thứ hạng 71 năm 2014 đã vượt lên 59 năm 2016 và đến năm 2020 đã bứt phá lên vị trí 42/131, chỉ xếp dưới Singapore và Malaysia trong khu vực ASEAN. Trong 5 năm qua, sự cải thiện cũng thấy rất rõ ở những chỉ số liên quan mật thiết nhất với NIS, nhƣ tổng chi quốc gia cho NC&PT, cũng nhƣ số lƣợng nhà nghiên cứu trong doanh nghiệp đều tăng đáng kể. Khu vực doanh nghiệp đang hƣớng tới trở thành trung tâm của ĐMST với sự vào cuộc của một số tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup, Viettel, FPT, v.v. Các chỉ số, nội hàm quan trọng khác của NIS, nhƣ số lƣợng công bố quốc tế và đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích cũng tăng đều đặn hằng năm trong giai đoạn 2016-2020.

    Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng thì với tiềm năng phát triển của Việt Nam những kết quả trên là chưa đủ, còn nhiều dư địa chính sách cần cải thiện. Cũng theo chỉ số GII năm 2020 một số chỉ số thành phần ở thứ hạng rất thấp, như Thể chế (83/131), nguồn nhân lực (79), cơ sở hạ tầng (73). Cụ thể hơn, có thể kể tên một số hạn chế như hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún; hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của nước ta còn tồn tại nhiều rào cản, chưa có hành lang pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ mới; nhân lực công nghệ bị thiếu hụt cả về chất lượng và số lượng; việc thương mại hóa các sản phẩm khoa học-công nghệ còn yếu; việc liên kết giữa các chủ thể tham gia vào đổi mới-sáng tạo còn lỏng lẻo.

     PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng gợi ý, là những nước đi trước trong phát triển hệ thống NIS, các nước châu Âu có những kinh nghiệm quý báu mà Việt Nam có thể học tập, tham khảo trong một số vấn đề như xây dựng Khung pháp lý; Vai trò của Nhà nước trong hình thành các thiết chế hỗ trợ cũng như các cơ chế hỗ trợ trực tiếp ban đầu; huy động nguồn lực cho NIS; tăng cường vai trò trung tâm của doanh nghiệp; và thúc đẩy liên kết giữa các chủ thể.

     Hội thảo nhận được nhiều báo cáo tham luận gửi về Ban Tổ chức, tổ chức thành 02 phiên với 08 báo cáo đã được trình bày về các chủ đề:

     (1) Ông Pencho Kuzev, Cố vấn chính sách, Phòng Kinh tế và Đổi mới, Tổ chức KAS (CHLB Đức), “Khung thể chế của Đức về thúc đẩy Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia”; (2) TS. Nguyễn Việt Long – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương, “Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tại ở địa phương: trường hợp Bình Dương và kinh nghiệm học tập từ quốc tế”; (3) TS. Võ Xuân Hoài, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam, “Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức”; (4) TS. Hoa Hữu Cường – Viện Nghiên cứu Châu Âu, “Phát triển nguồn nhân lực khoa học – công nghệ tại CHLB Đức và một số gợi mở cho Việt Nam”; (5) Ông Christian Lawrence, Tập đoàn Brunswick, CHLB Đức, “Phát huy vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để: Kinh nghiệm của EU từ quan điểm của Đức”; (6) TS. Bạch Tân Sinh và TS. Nguyễn Hoàng Hải, Học Viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo (VISTI), “Thúc đẩy Hệ sinh thái khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo trong bối cảnh nền kinh tế sau đại dịch ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức”; (7) TS. Tomi Sarkioja, Cố vấn cao cấp Bộ Ngoại giao, Nguyên đồng Chủ tịch Chương trình Đổi mới Sáng tạo Phần Lan - Việt Nam, Nhà nghiên cứu Đại học Tampere, Sự liên kết giữa các chủ thể trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia: Kinh nghiệp của châu Âu và hàm ý cho Việt Nam”; (8) TS. Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển, tỉnh Thừa Thiên Huế, “Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo của Thừa Thiên Huế - Thực tiễn từ phát triển doanh nghiệp ĐMST tại địa phương”.

Quang cảnh Hội thảo

     Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu, chuyên gia và các nhà khoa học. Các báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích, làm rõ Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia ở một số nước Liên minh Châu Âu và ở Việt Nam, cung cấp giá trị tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, đồng thời gợi mở một số hàm ý chính sách cho Việt Nam trong lĩnh vực ĐMST. Cũng qua đó, góp phần mang lại cái nhìn đa chiều, chuyên sâu, giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

 

Nguồn: Ban Biên tập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam


Nguồn: https//vass.gov.vn/hoi-nghi-hoi-thao/Hoi-thao-quoc-teHe-thong-doi-moi-sang-tao-quoc-gia-o-Chau-Au-1272
Tags: Hội thảo , Đổi mới sáng tạo , Hội thảo quốc tế , Châu Âu
Tin liên quan