Hội thảo Quốc tế 1: “Hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam, Lào, Campuchia trong bối cảnh kinh tế số”.
Đây là hội thảo thường niên nhằm thúc đẩy sự trao đổi, hợp tác giữa ba cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn lớn nhất tại Việt Nam, Lào, và Campuchia gồm Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS), Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội Quốc gia Lào (LASES), Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC). Các bài viết trong hội thảo tập trung vào phân tích xu hướng phát triển kinh tế số và kinh noghiệm ứng dụng công nghệ số vào phát triển thương mại, đầu tư tại Việt Nam, Lào và Campuchia; các cơ hội và thách thức từ quá trình chuyển đổi số đến việc thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa ba nước; và một số giải pháp thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa ba nước trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển hiện nay. Hội thảo đã nhận được nhiều câu hỏi, ý kiến đóng góp, thảo luận tích cực từ các điễn giả và nhà nghiên cứu đến từ ba nước. Hội thảo thống nhất cho rằng, sự phát triển của nền kinh tế số là xu hướng phát triển tất yếu ở ba nước cùng với những tiến bộ về công nghệ do Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang lại. Nền kinh tế số đang mở ra những cơ hội kinh doanh mới ở cả ba nước, đặc biệt là cho các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nó cũng mở ra cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư xuyên biên giới giữa ba nước, vốn đang ngày càng được kết nối tốt hơn nhờ sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông cũng như công nghệ. Tuy nhiên, thương mại và đầu tư giữa ba nước vẫn còn gặp một số trở ngại cần được khắc phục như việc chuyển đổi ngoại tệ, các quy định xuất nhập khẩu chưa dễ dự đoán hoặc sự hiểu biết về thương mại điện tử của người dân còn chưa cao.
Hội thảo Quốc tế 2: “Thành phố thông minh vì mục tiêu tăng trưởng xanh”
Hội thảo là hoạt động nâng cao năng lực cho ba cơ quan nghiên cứu chủ chốt của Việt Nam, Lào và Campuchia do Viện Môi trường Hàn Quốc (KEI) tài trợ. Hội thảo được chia làm 3 phiên chính đã cho thấy nhiều khía cạnh của phát triển thành phố thông minh gắn với tăng trưởng xanh ở Hàn Quốc, Campuchia, Lào và Việt Nam cũng như một số kinh nghiệm trên thế giới. Các bài trình bày và thảo luận tại hội thảo đã làm nổi bật được 3 vấn đề chính:
Thứ nhất, xu hướng xây dựng thành phố thông minh gắn với tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, trung hòa carbon đã được nhiều quốc gia bao gồm Hàn Quốc, Lào, Campuchia và Việt Nam thể chế hóa và đưa vào các quy hoạch ở nhiều cấp, cả trung ương cũng như địa phương. Cùng với quy hoạch của nhà nước, các doanh nghiệp cũng rất năng động trong đề xuất và xúc tiến xây dựng thành phố thông minh trên thực tế. Nhiều dự án xây dựng thành phố thông minh đã và đang được quy hoạch và tiến hành xây dựng ở Hàn Quốc, Việt Nam, Lào và Campuchia. Điều đó cho thấy các quốc gia phát triển và đang phát triển có chung tầm nhìn, cùng hướng tới thúc đẩy và tận dụng các thành tựu về công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như thực hiện các mục tiêu chung toàn cầu về bảo vệ môi trường. Các nước đang phát triển nhìn thấy tính khả thi trong xây dựng thành phố thông minh vì mục tiêu tăng trưởng xanh, đặc biệt là cơ hội đi tắt đón đầu trong việc triển khai những công nghệ mới nhất của thế giới.
Thứ hai, việc xây dựng thành phố thông minh vì mục tiêu tăng trưởng xanh hiện nay đòi hỏi nhiều sự phối hợp của nhiều nhân tố, như khung khổ pháp lý, chính sách đổi mới sáng tạo, công tác quy hoạch ở các cấp, sự năng động của doanh nghiệp, khả năng tham gia của người dân cũng như hợp tác quốc tế. Nhu cầu xây dựng và khả năng thành công của thành phố thông minh chỉ có thể đạt được khi nó giải quyết được các vấn đề bức thiết hiện tại của đô thị và thể hiện được tầm nhìn cho tương lai. Các bài trình bày tại hội thảo đã cho thấy Hàn Quốc, Lào, Campuchia và Việt Nam đã có những ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý và xử lý rác thải, thúc đẩy điều tiết giao thông thông minh, khuyến khích phương tiện giao thông “sạch” thông minh như xe điện.
Thứ ba, mặc dù đã đạt được sự đồng thuận từ cả tầm quốc tế và quốc gia cũng như cấp vĩ mô và vi mô trong xây dựng thành phố thông minh gắn với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, còn nhiều vấn đề cần giải quyết tùy vào điều kiện của mỗi nước. Một số vấn đề trọng tâm cần tháo gỡ bao gồm chính sách vĩ mô về khoa học công nghệ, mối quan hệ giữa quy hoạch và bảo tồn (như đô thị hóa và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường), chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tận dụng những ưu đãi của các nước phát triển dành cho việc thực hiện trung hòa phát thải ở các nước đang phát triển hoặc cụ thể như chính sách ODA của Hàn Quốc cho phát triển thành phố thông minh ở ASEAN. Với điều kiện còn hạn chế, việc xây dựng thành phố thông minh ở các nước Đông Nam Á như Lào, Campuchia và Việt Nam nên tập trung cả vào giải quyết những vấn đề bức thiết như giao thông đô thị, giảm phát thải khí nhà kính, xử lý rác thải đô thị, phát triển năng lượng xanh và sử dụng năng lượng hiệu quả, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, xây dựng chính quyền điện tử … cũng như hướng đến các vấn đề mang tính dài hạn như quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới, thông minh và xanh trong tương lai.
Dưới đây là một số hình ảnh:
![](/content/tintuc/PublishingImages/htqt%201.jpg)
TS. Đỗ Tá Khánh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng
![](/content/tintuc/PublishingImages/htqt%202.jpg)
![](/content/tintuc/PublishingImages/htqt%204.jpg)